Hiện nay chênh lệch giữa giá cà phê arabica và giá cà phê robusta đã lên đến 2,3-2,5 lần, làm cho khách hàng tìm đến cà phê giá rẻ nhiều hơn.
Nhưng việc tiếp cận với nguồn cà phê robusta không dễ dàng. Số lượng hàng lớn nằm trong tay của giới đầu cơ lớn tại thị trường London chưa chịu buông nên khách hàng có nhu cầu rang xay chế biến của thế giới không thể tiếp cận được. Họ phải tìm đến các nước xuất khẩu cà phê của châu Á với 2 thị trường lớn là Việt Nam và Indonesia.
So với giá London, cà phê robusta xuất khẩu loại 4, 80 lỗi của Indonesia có lúc được cộng 80 USD do vấn đề về chất lượng, mức mà nhiều nhà xuất khẩu nước khác vẫn ước ao. Tuần trước, mức giá London cộng này của cà phê Indonesia đã được khách hàng chào mua đẩy lên hơn 200 USD nhưng nguồn hàng vẫn khó khăn.
Khi giá cà phê Indonesia lên quá cao thì họ quay sang với nguồn cà phê của Việt Nam. Qua nhiều kênh thông tin khác nhau cho biết, Việt Nam có một lượng hàng khoảng gần 300.000 tấn của vụ mùa vừa qua còn nằm trong nông dân và trong tay các nhà kinh doanh xuất khẩu. Để thu hút lượng hàng này ra thị trường, khách hàng chào mua đã bỏ mức trừ lùi xưa nay có lúc lên đến 120 USD để đưa ra giá London cộng 50 USD cho loại R2, 5 % đen vỡ của Việt Nam.
Tuy nhiên, có vẻ sức hút chưa đủ lực nên tuần này giá London cộng cho loại R2, 5% được khách mua đẩy lên trên 100 USD, cao nhất là loại R1 sàn 16 có giá London cộng 170 USD.
Hiện nay giá cà phê robusta trong nước đang ở mức 50.700-50.800 đồng/kg nhân xô. Giá cà phê loại R2, 3% cao hơn 1.000 đồng/kg và loại R1, 2% cao hơn 1.400 đồng/kg nhưng nguồn hàng tồn trong dân chỉ xuất hiện nhỏ giọt.
Cuối tuần, giá cà phê robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ giá 2.535 USD/tấn, FOB-HCM, với mức cộng thêm 105 USD.
Anh Văn