Nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu cà phê, nhưng không thể mua được hàng để thanh lý hợp đồng, vì nguồn dự trữ trong dân còn chưa tới 10% sản lượng thu hoạch. Bởi vậy, không ít doanh nghiệp trong nước phải mua lại cà phê từ thương nhân nước ngoài với giá còn cao hơn cả giá xuất khẩu.
Nguồn cà phê nguyên liệu còn chưa tới 10% sản lượng thu hoạch.
Xem thêm: > Doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu cà phê
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê tháng 6/2011 đạt 115 nghìn tấn với trị giá 250 triệu USD, đưa tổng lượng xuất khẩu 6 tháng lên 913 nghìn tấn với giá trị 1,93 tỷ USD, tăng 38,6% về lượng và gấp hơn 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Tuy giá cà phê vẫn đang ở mức rất cao, nhưng thị trường cà phê từ đầu tháng 6/2011 đến nay đã có nhiều dấu hiệu bất ổn, giao dịch lên xuống bất thường.
Giá cà phê giảm mạnh vào đầu tháng 6. Riêng trong phiên giao dịch ngày 6/6, giá cà phê mất 4% chỉ trong một ngày, đưa cà phê trở thành mặt hàng có mức giảm giá mạnh nhất trong số 24 hàng hoá nguyên liệu thô. Báo chí nước ngoài đã dùng từ “sóng thần” để chỉ hoạt động bán tháo của lượng cà phê robusta tràn ngập các kho hàng ở châu Âu đến từ Việt Nam. Sự bán tháo này xuất phát từ lo ngại nguồn cung tăng lên khi thông tin sản lượng thu hoạch của Brazil tăng tới 25% trong vụ hiện tại vì thời tiết thuận lợi.
Tuần thứ hai của tháng này, giá cà phê thế giới đã hồi phục mạnh trở lại. Nhưng đến cuối tháng 6, giá cà phê đã rơi xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua do nguồn cung cho thị trường dồi dào.
Tuần đầu tiên của tháng 7, giá cà phê đã tăng trở lại. Chốt phiên giao dịch cuối tuần vừa qua, trên thị trường London, giá cà phê robusta giao tháng 9 tăng hơn 1% lên 2.498 USD/tấn. Thị trường sẽ không có gì đáng nói nếu mức tăng giảm 1 – 2%, nhưng lượng giao dịch “khủng” trên thị trường London, (hơn 60.000 lot – gấp 4 lần so với các phiên trước) cho thấy nhà đầu tư đã lo ngại thực sự về vấn đề nguồn cung.
Trong nước, giá cà phê sau khi lập kỷ lục mới ở mức 51.600 đồng/kg ngày 1/6, thì sau đó giảm mạnh, đến giữa tháng 6 chỉ còn 48,6 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân giá cà phê giảm là lượng cầu đối với Robusta yếu hơn trong khi các nhà đầu tư đổ xô mua Arabica do lo lắng thiếu cung chất lượng cao từ Kenya, trong khi đó Việt Nam chủ yếu cung cấp cà phê Robusta.
Sang đến đầu tháng 7/2011, giá cà phê trong nước đã tăng mạnh trở lại vượt 51 nghìn đồng/kg, nhưng cuối tuần vừa qua giá cà phê khu vực Tây Nguyên đồng loạt giảm 400.000 đồng/tấn về 50,7 triệu đồng/tấn.
Việt Nam có hơn 150 công ty xuất khẩu cà phê, trong đó 20 công ty chiếm phần lớn tổng khối lượng xuất khẩu. Hiện Việt Nam xuất khẩu cà phê sang trên 80 quốc gia và lãnh thổ, trong đó Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Italia và Nhật bản dẫn đầu 10 khách hàng lớn nhất.
Thị trường xuất nhập khẩu cà phê trong tháng 6 đã xảy ra một nghịch lý là, nhiều thương nhân trong nước phải mua cà phê với giá cao để xuất khẩu với giá thấp hơn và chấp nhận chịu lỗ. Nguyên nhân là các thương nhân nước ta thường ký hợp đồng xuất khẩu trước khi chưa có chân hàng trong tay, rồi sau đó mới thu mua hàng để xuất đi.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, hầu hết khối lượng cà phê đã nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Ước tính sản lượng cà phê trong nông dân hiện nay chỉ còn chưa tới 100 nghìn tấn, tức là chỉ khoảng 7% – 10% tổng sản lượng thu hoạch. Trong khi đó, các hãng kinh doanh nước ngoài đang chào bán mạnh trở lại cho các nhà xuất khẩu Việt Nam đang thiếu hàng giao theo hợp đồng.
Tính toán của Hiệp hội Cà phê Việt Nam (VICOFA) cho thấy, hiện nay lượng tồn kho tại các kho ngoại quan và kho riêng của các hãng kinh doanh nước ngoài khoảng 200.000 tấn. Trong đó, số lượng tồn kho của hai hãng lớn nhất đã chiếm trên một nửa, trên 100.000 tấn. Do giàu vốn và có chiến lược gom hàng tốt, các hãng này có khi đã mua giá cà phê loại 2,5% đen bể trừ lùi 120 dưới giá Liffe. Hiện nay, nếu bán ngược lại cho thị trường nội địa, các hãng kinh doanh cà phê nước ngoài sẽ bán được giá cao hơn so với việc đưa hàng sang các kho do Liffe chỉ định tại châu Âu và Bắc Mỹ bán cho các đối tác ở sàn London.
Cũng theo VICOFA, hàng cà phê trong nông dân thì hết hoặc phân tán, trong khi các công ty xuất khẩu đang chật vật với lãi vay của đồng vốn, với các hợp đồng còn nợ chưa giao, thị trường cà phê nội địa Việt Nam buộc phải nhường sân cho một vài hãng kinh doanh nước ngoài. Nếu doanh nghiệp nào không đủ sức cầm cự cho đến khi có cà phê thu hoạch vụ mới, thì sẽ có nguy cơ phá sản.
Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh cà phê đang khát nguyên liệu, và trông chờ vào vụ thu hoạch mới. Vụ thu hoạch cà phê của Việt Nam thường bắt đầu từ tháng 10 hàng năm, tức là còn gần 3 tháng nữa.
VICOFA đưa ra dự báo, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2011/12 (tháng 10/2011 – tháng 9/2012 sẽ không thể tăng nhiều vì có tới 25% diện tích cây trồng đã già cỗi và cần phải được thay mới) sẽ tăng 2,9% so với vụ hiện tại, lên 18 triệu bao (1 bao = 60 kg). Tuy nhiên dự báo của VICOFA thường thấp nhất so với toàn bộ các dự báo trên toàn thế giới và cũng thường thấp hơn nhiều so với con số xuất khẩu cuối cùng của Tổng cục Thống kê và hải quan.
Trong khi đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại dự báo lạc quan hơn, sản lượng vụ tới sẽ tăng 10% so với niên vụ 2010/2011 đạt 22 triệu bao, vì cho rằng nông dân tăng cường đầu tư và cải tiến chất lượng và năng suất hạt sau khi giá tăng trong năm vừa qua. Sau vụ thu hoạch vừa qua, kết thúc vào tháng 12/2010, sớm hơn thông lệ 2 tuần, nông dân đã bắt đầu tưới nước và bón phân cho cây cà phê từ tháng 2 để cho năng suất cao.
Việt Nam sản xuất 38.000 tấn cà phê arabica niên vụ 2010/11, tăng so với 37.000 tấn niên vụ trước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã điều chỉnh tăng mức dự báo về xuất khẩu cà phê năm 2011 thêm 4% lên 1,3 triệu tấn, tương đương 21,67 triệu bao.
Theo VNEconomy