(TBKTSG Online) - Một tia hy vọng lóe lên cho thị trường cà phê trong cũng như ngoài nước vào đúng ngày cuối tuần. Giá robusta nhân xô tại Tây Nguyên tăng lên mức 45.200 – 45.500 đồng/kg, cao hơn hôm qua 1000 đống/kg nhưng vẫn còn ở mức thấp.
|
Xuất khẩu Việt Nam theo Tổng cục Thống kê (cột xanh:số bao/cột đỏ:số tấn) |
Như thế, so với đúng cách đây nửa tháng, giá cà phê nội địa mất trên 5000 đồng/kg. Giá lúc bấy giờ 50.500 đồng. Từ đó đến nay, dư luận thị trường cho rằng hàng mua bán trao tay rất hiếm, lượng hàng bán chốt giá những lô đã gửi vào tay các nhà xuất khẩu cũng không đáng kể.
Hôm qua, ngày giao dịch cuối tuần của các thị trường kỳ hạn cà phê (TTKH), tức rạng sáng nay ngày 23/7 giờ Việt Nam, giá đóng cửa cơ sở tháng 9/2011 tại TTKH robusta Liffe London đảo chiều đi lên đạt mức 2.074 đô la/tấn, tăng 72 đô la/tấn và arabica Ice New York tăng 0,70 cts/lb (tức 15 đô la/tấn) chốt mức 241,5 cts/lb. Tuy 2 TTKH có giá tăng cuối tuần, giá vẫn giảm nhiều so với cách đây một tuần. Liffe mất 202 đô la và Ice giảm 265 đô la/tấn.
May mà có ngày thứ Sáu giá tăng ngược lại, bù được đôi chút những gì đã mất trong tuần, còn nhìn chung, thị trường cà phê có một tuần ảm đạm. Giá không theo một qui luật cung-cầu nào, chỉ phụ thuộc vào những cơn nóng lạnh của giá trị đồng đô la Mỹ và tình hình kinh tế thế giới, hoàn toàn mang tính chất kỹ thuật. Giá TTKH Liffe hôm nay tăng một phần do các kết quả tích cực của cuộc họp giải quyết vấn đề nợ của Hy Lạp tại châu Âu.
Một vài điểm đặc biệt của thị trường cà phê tuần qua được ghi nhận như sau:
Đầu cơ tiếp tục bán tháo gây mất mát cho riêng TTKH Liffe hết trên 360 đô la/tấn nếu chỉ tính trên giá đóng cửa của hai ngày cuối tuần gần nhất. Đây là một sự kiện bất ngờ và hi hữu. Nếu như dựa vào cung-cầu, giá chênh lệch mua bán đang tăng, chứng tỏ hàng thực thiếu. Nhưng họ đã bất chấp chuyện ấy, cố tình ép đuổi để bắt chặn lỗ (stoploss - Xem thuật ngữ này tại đây) các lô đã mua khống giá cao trên thị trường hàng giấy.
Khi mua, giá cao, nay phải bán ở giá thấp, buộc người tham gia phải lỗ lớn. Đồng lúc đó, thông qua chặn lỗ, họ cũng vét hết những hợp đồng hàng thực bán theo giá trừ lùi chưa có giá cuối cùng mà chỉ thanh toán theo giá tạm tính ở mức thấp. Ước có chừng 10.000-15.000 tấn bị ép bán với mức thanh toán thực nhận chừng 1.500-1.600 đô la/tấn hay thấp hơn.
Trong khi đó, giá hàng thực phải mua theo thời điểm hiện nay chừng 2.200 đô la/tấn hay có thể cao hơn nếu tính tại thời điểm mua giao hàng trước đây. Tổng cục Thống kê ước Việt Nam sẽ xuất khẩu chừng 55.000 tấn trong tháng 7/2011. Con số ấy tạo cho ta nhiều suy nghĩ: có thể nó nhỏ nhất tính từ đầu niên vụ đến nay nếu dựa trên lượng xuất khẩu hàng tháng, song sẽ rất lớn nếu nói về lượng tồn kho.
Con số xuất khẩu tháng 7 ấy chiếm đến 50% con số ước lượng tồn kho trong dân. Thường thường, con số của Tổng cục Thống kê ước là số lượng bán mới cho cả hàng vào kho ngoại quan và giao thẳng xuống tàu. Trong tình hình hiếm hàng vừa qua, nếu giao được 55.000 tấn, con số ấy không hề nhỏ và con số khối lượng lượng cần được tính lại chứ không thể 1,1 triệu tấn như nhiều người đã dự báo.